Sacomtec

Làm thế nào để sử dụng thuốc không kê đơn an toàn?

Sai sót về thuốc, dùng sai loại thuốc hoặc đúng loại thuốc nhưng sai liều lượng... có thể gây nguy hiểm. Biết cách sử dụng đúng thuốc không kê đơn có thể giúp bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ này.

     1. Thuốc không kê đơn là gì?

Thuốc không kê đơn (OTC) là những loại thuốc có thể được bán trực tiếp cho người dùng mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Theo nguyên tắc chung, thuốc không kê đơn chủ yếu được sử dụng để điều trị các tình trạng không cần chăm sóc hoặc giám sát y tế trực tiếp và thuốc không kê đơn phải được chứng minh là an toàn và được dung nạp tốt.

334e02d6029eebc0b28f.jpg
Thuốc không kê đơn được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau, từ đau đầu đến đau bụng.

Thuốc không kê đơn điều trị nhiều loại bệnh và các triệu chứng như: Đau, ho, cảm lạnh, tiêu chảy, táo bón, mụn trứng cá, dị ứng… Vitamin và chất bổ sung cũng được bán không cần kê đơn. Người tiêu dùng có thể tìm thấy những loại thuốc này trong các cửa hàng thuốc gần nhà.

Việc sử dụng thuốc không kê đơn có nhiều lợi thế, như cho phép tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh hơn, giảm số lần đi khám bác sĩ và chi phí thấp hơn so với thuốc kê đơn. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc không kê đơn có thể dẫn đến phản ứng phụ, tương tác thuốc, dùng quá liều và các vấn đề liên quan đến thuốc khác. Do đó, người dùng cần được cung cấp kiến thức về cách sử dụng thuốc an để phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn và thúc đẩy việc tự chăm sóc bản thân có trách nhiệm.

Sử dụng thuốc không kê đơn theo khuyến cáo của thầy thuốc có tác dụng chữa bệnh, ngược lại việc lạm dụng chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

     2. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc

Bác sĩ và dược sĩ có thể giúp hướng dẫn chọn thuốc OTC thích hợp dựa trên tiền sử bệnh. Thông báo với bác sĩ về bất kỳ loại dị ứng nào đang mắc phải hoặc các loại thuốc kê đơn, không kê đơn khác đang dùng cũng như bất kỳ chất bổ sung thảo dược, vitamin nào đang sử dụng. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ sử dụng thông tin này để lựa chọn loại thuốc OTC phù hợp, tránh các tương tác bất lợi với các thuốc người bệnh đang sử dụng.

Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc OTC. Một số loại thuốc không kê đơn có hại cho thai nhi đang phát triển. Một số loại thuốc mà người mẹ đang cho con bú có thể qua sữa mẹ và gây hại cho trẻ. Tốt nhất nên hỏi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào khi đang mang thai hoặc cho con bú.

Mỗi loại thuốc đều có rủi ro và lợi ích, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi quá trình sử dụng thuốc cẩn thận để đảm bảo sử dụng thuốc một cách an toàn.

       3. Đọc kỹ nhãn thuốc trước khi sử dụng

Mỗi loại thuốc OTC đều có nhãn thông tin về thuốc được in trên bao bì. Nhãn này cung cấp cho người dùng các thông tin quan trọng khi dùng thuốc như: Tác dụng của thuốc, cách dùng thuốc, nhưng ai không nên dùng, tác dụng phụ của thuốc... Cụ thể:

Thành phần hoạt chất : Hoạt chất có trong sản phẩm thuốc là gì, điều này cũng giúp phòng tránh quá liều thuốc (khi dùng nhiều thuốc có cùng hoạt chất). Chỉ định : Điều này cho bạn biết các triệu chứng hoặc bệnh mà sản phẩm có thể điều trị hoặc ngăn ngừa. Cảnh báo: Bao gồm các điều kiện có thể cần lời khuyên từ những người có chuyên môn y tế trước khi dùng sản phẩm; tác dụng phụ có thể xảy ra; tương tác với các loại thuốc khác có thể xảy ra; khi nào thì ngừng dùng sản phẩm; và khi nào cần liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Độ tuổi: Các lứa tuổi cụ thể và liều dùng, cách dùng, tần suất và thời gian dùng. Lưu ý rằng có thể có các hướng dẫn khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của người sẽ sử dụng thuốc, đặc biệt là khi người đó có vấn đề về gan hoặc thận, hen suyễn, hoặc cao huyết áp. Thành phần không hoạt động: Các chất như màu sắc, hương vị hoặc chất độn không góp phần vào tác dụng của thuốc. Một số sản phẩm có thể chứa các loại đường như glucose, fructose, hoặc xi-rô ngô mà một số người dị ứng cần tránh. Ngày hết hạn: Dấu hiệu này có thể nằm ở vị trí khác trên sản phẩm, như ở dưới cùng của chai hoặc trên vỏ hộp. Cách bảo quản thuốc: Hầu hết các loại thuốc nên được bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát và trong chai nguyên bản của chúng, nếu có thể.

     4. Nguy hiểm khi dùng thuốc quá liều

Mỗi loại thuốc không kê đơn (OTC) đều có một hoặc nhiều thành phần cụ thể được gọi là thành phần hoạt tính làm cho thuốc hoạt động. Ví dụ, thành phần hoạt tính giúp hạ sốt, giảm đau hoặc giảm ho. Điều đặc biệt quan trọng là phải chú ý đến các thành phần hoạt tính trong thuốc nếu đang dùng nhiều hơn một loại thuốc - dù là thuốc OTC hay thuốc kê đơn - để đảm bảo không dùng quá nhiều thành phần hoạt tính giống nhau, có thể gây hại.

Zalo
Luôn đọc kỹ nhãn thông tin trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Paracetamol, một loại thuốc giảm đau hiệu quả, là một thành phần hoạt chất phổ biến trong nhiều loại thuốc OTC với các tên gọi khác nhau, có thẻ ở dạng đơn chất hay phối hợ với các thành phần khác. Điều này có thể dẫn đến việc vô tình dùng quá liều.

Ví dụ, một người bị chấn thương đầu gối nhẹ và sau đó bị cảm lạnh. Người bệnh có thể dùng thuốc không kê đơn để giảm đau đầu gối, nhưng lại dùng thêm thuốc trị cảm (có chứa cùng hoạt chất giảm đau đều là paracetamol). Điều này khiến bạn có thể tiêu thụ gấp 2 lần liều lượng khuyến cáo, dễ gây độc, hại gan...

Paracetamol an toàn nếu sử dụng theo chỉ dẫn, nhưng có thể gây suy gan cấp tính, nếu sử dụng vượt quá liều tiêu chuẩn. Do đó, người dùng phải tuân theo hướng dẫn về liều lượng trên bao bì của thuốc OTC.

Một cách phổ biến khác mà mọi người vô tình uống quá nhiều là tăng liều lượng với hy vọng nhanh khỏi hơn. Nhưng nghịch lý là, việc tăng liều lượng vượt quá khuyến cáo trên bao bì khiến gia tăng các tác dụng phụ mà không gia tăng thêm tác dụng của thuốc.

Các loại thuốc giảm đau thông thường khác cũng có thể được kết hợp trong các sản phẩm OTC bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, aspirin và naproxen. Khi dùng bất kỳ sản phẩm NSAID nào trong số này, hãy cẩn thận với liều lượng tiêu chuẩn.

Thuốc không kê đơn được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau, từ đau đầu đến đau bụng. Những loại thuốc này có thể dễ dàng tiếp cận nhưng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt nếu chúng được dùng sai hoặc với các loại thuốc khác.

     5. Những đối tượng cần thận trọng khi sử dụng thuốc

Không dùng thuốc OTC nếu nó không nhằm mục đích điều trị các triệu chứng. Ngoài ra, không dùng nhiều thuốc OTC hơn nhãn chỉ dẫn. Uống quá nhiều hoặc quá ít thuốc đều có thể không mang lại tác dụng mà còn gây độc.

Người lớn khỏe mạnh sử dụng thuốc OTC đúng bệnh và đúng cách sẽ có ít nguy cơ bị tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao hơn. Những đối tượng này bao gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người dùng nhiều hơn 1 loại thuốc.

Những người có các tình trạng sau đây cũng có nguy cơ cao gặp bất lợi cao hơn của thuốc:

  • Hen suyễn Rối loạn chảy máu Rối loạn đông máu Vấn đề về hô hấp Bệnh đái tháo đường Bệnh tiền liệt tuyến Động kinh Bệnh tăng nhãn áp Bệnh Gout Bệnh tim Huyết áp cao Các vấn đề về hệ thống miễn dịch Các bệnh về thận Bệnh Parkinson Bệnh tâm thần Các vấn đề về tuyến giáp
  • Người cao tuổi thường sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc bao gồm cả thuốc theo đơn và thuốc không kê đơn. Người cao tuổi xử lý thuốc khác với những người trẻ tuổi. Đây là lý do tại sao họ cần phải chú ý cẩn thận các tương tác thuốc - thuốc. Người cao tuổi cần trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng bao gồm cả thuốc không kê đơn, vitamin và chất bổ sung thảo dược để phòng nguy cơ bị tác dụng phụ và tương tác thuốc nguy hiểm.

Theo Bộ Y Tế


© 2007 -2024  Sacomtec | Homepage