Sacomtec

3 nhóm thuốc gây hệ lụy lâu dài nếu lạm dụng

Việc tự ý sử dụng, lạm dụng thuốc kê đơn mà không thông qua ý kiến bác sĩ, dược sĩ có thể gây ra các hậu quả khôn lường, điển hình là với 3 nhóm thuốc sau đây.

Lạm dụng thuốc chứa corticoid

Corticoid là một nhóm chất tương tự hormon của vỏ thượng thận đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể tiêu biểu là tác dụng kháng viêm rất tốt. Chính vì vậy, dạng uống của thuốc thường được chỉ định trong các bệnh như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng và một số bệnh tự miễn; corticoid còn có dưới dạng thuốc nhỏ mắt để điều trị viêm mi mắt, viêm kết mạc… Tại Việt Nam, gần như tất cả các thuốc có chứa corticoid dạng uống và nhỏ mắt đều là thuốc kê đơn, nghĩa là chỉ dùng khi có đơn của bác sĩ, trừ một số corticoid dạng bôi ngoài da, hoặc dạng xịt cho hen suyễn là thuốc không cần kê đơn.

Việc lạm dụng thuốc này không đúng cách, không đúng liều có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Theo Dược thư quốc gia Việt Nam II, với corticoid đường uống, nếu dùng liều cao và kéo dài có thể gặp các tác dụng phụ như ứ dịch, tăng đường huyết, tăng huyết áp, thay đổi tâm trạng và hành vi, tăng cân, viêm loét dạ dày – tá tràng, mất ngủ, suy giảm miễn dịch… Dạng nhỏ mắt có thể gây tăng nhãn áp dẫn đến mù lòa nếu dùng lâu dài. Đặc biệt khi ngừng uống đột ngột sau một thời gian dài sử dụng có thể gây suy tuyến thượng thận cấp: mệt mỏi khó chịu, chán ăn, đau cơ, nhức đầu, hạ huyết áp có khi không đo được; lơ mơ, có thể hôn mê. Do đó việc ngừng thuốc phải giảm liều từ từ.

thuoc-dieu-tri-mat-hep-van-2-la.jpg
Lạm dụng thuốc chứa corticoid lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các thuốc corticoid thường gặp trên thị trường có thành phần hoạt chất là betamethason, dexamethason, methylprednisolon, prednisolon, prednison, triamcinolon, hydrocortison… Người bệnh không tự ý mua các thuốc này để uống hoặc nhỏ mắt. Nếu được bác sĩ kê đơn các thuốc này, cần tuân thủ dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn.

Lạm dụng các nhóm thuốc kháng sinh

Kháng sinh là những chất có tác dụng trên vi khuẩn, giúp tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Thuốc kháng sinh là nhóm thuốc có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là ở những nước có tỷ lệ bệnh nhiễm khuẩn cao như Việt Nam. Tuy nhiên theo Dược thư quốc gia Việt Nam II, đây lại là một nhóm thuốc bị lạm dụng hàng đầu ở nước ta.

Nên lưu ý rằng các tác nhân gây bệnh cho người có thể là virus, vi khuẩn, nấm, sinh vật đơn bào hoặc ký sinh trùng (giun, sán...). Các kháng sinh thông dụng chỉ có tác dụng với vi khuẩn, rất ít kháng sinh có tác dụng với virus, nấm gây bệnh hay sinh vật đơn bào. Vì vậy, nếu sử dụng không đúng với mục tiêu thì kháng sinh không chỉ vô tác dụng mà còn có thể mang lại các tác dụng phụ không cần thiết.

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây hậu quả nguy hiểm về lâu dài do khi dùng không đúng liều, không đúng cách hoặc không đủ ngày sẽ làm vi khuẩn đề kháng thuốc, từ đó dẫn đến thiếu thuốc trong điều trị vì số loại thuốc kháng sinh mới được đưa vào thị trường rất ít. Do đó, người dân không tự ý mua và dùng kháng sinh, nếu dùng theo toa, phải uống thuốc đủ liều, đủ ngày và đúng theo phác đồ bác sĩ yêu cầu.

dau-thau-thuoc-171.jpg
Nhóm thuốc kháng sinh nếu bị sử dụng tràn lan, bừa bãi sẽ làm vi khuẩn đề kháng thuốc.

Lạm dụng thuốc giảm đau

Paracetamol và các thuốc chống viêm không steroid (aspirin, ibuprofen, meloxicam, diclofenac…) là các thuốc thường được lựa chọn đầu tiên để điều trị các chứng đau từ mức nhẹ tới mức trung bình. Sử dụng các thuốc giảm đau này không đáng ngại về tình trạng nghiện hoặc nhờn thuốc, nhưng khi tăng liều, hiệu quả của thuốc cũng không tăng thêm. Paracetamol khá an toàn nhưng khi dùng quá liều trong thời gian dài (trên 4g/ngày) có thể gây ngộ độc gan.

Tuy nhiên, nhóm thuốc đáng lo ngại về việc bị lạm dụng là các thuốc “giảm đau gây nghiện” hay còn gọi là thuốc “giảm đau opioid”. Các thuốc này thường được dùng điều trị các chứng đau từ mức vừa đến mức nặng, đặc biệt đau do nguồn gốc nội tạng hoặc do chấn thương. Các tác dụng không mong muốn của các thuốc dạng opioid bao gồm an thần, buồn nôn, nôn, táo bón và nguy hiểm nhất là ức chế hô hấp. Mặt khác sử dụng nhiều lần hoặc dài ngày các thuốc giảm đau này có thể gây nghiện.

Vì vậy, các thuốc trong nhóm giảm đau gây nghiện (tramadol, codein…) chỉ được dùng khi có đơn của bác sĩ và cần tuân thủ đúng liều dùng và thời gian dùng để tránh bị nghiện và tránh các tác dụng phụ nguy hiểm.


© 2007 -2025  Sacomtec | Homepage