Sacomtec

Windows Phone 7 thắng thế vào cuối 2013?

Theo hãng nghiên cứu thị trường Pyramid Research, sắp xảy ra cuộc chiến di động giữa Android và Windows Phone 7, kết quả Microsoft sẽ thống lĩnh thị trường vào cuối năm 2013.

smartphones-market.jpg

Thị phần HĐH cho Smartphone giai đoạn 2009-2015, theo báo cáo của Pyramid.

Những ai tin tưởng Microsoft có thể yên lòng với công bố mới đây của Pyramid Research, cho rằng Windows Phone 7 sẽ chi phối thị trường hệ điều hành di động vào cuối năm 2013.

Tuy nhiên, với quá nhiều những thái độ hoài nghi hiện nay, thậm chí là gièm pha và nhạo báng đối với nền tảng di động mới của Microsoft, trong khi thị trường smartphone là một thị trường toàn cầu và đang còn trong giai đoạn trứng nước, kết luận của Pyramid không khỏi bị ngờ vực.

Tranh cãi đã xảy ra bởi dòng cuối cùng của một trang báo cáo về doanh số bán điện thoại di động trên toàn thế giới, dự đoán rằng Android sẽ tăng trưởng từ 28% trên thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2011 lên tới hơn 45% vào năm 2015. Dòng cuối cùng này như sau: "Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán đến năm 2015, Windows Phone sẽ chính thức dẫn đầu trong lĩnh vực hệ điều hành cho smartphone".

Pyramid dự báo thị phần Windows Phone 7 bắt đầu tăng tốc từ năm 2011 đến giữa năm 2012, sau đó sẽ tăng chậm lại. Phần lớn sức tăng này được dự kiến nhờ lực đẩy của một thế hệ mới các điện thoại Nokia chạy hệ điều hành di động của Microsoft. Đến đầu năm 2013, Windows Phone 7 sẽ vượt qua (một chút) thị phần của Android.

Một bài viết đăng trên blog của chuyên gia phân tích kỳ cựu Stella Bokun, lãnh đạo mảng thiết bị di động của Pyramid, đã mô tả phương pháp nghiên cứu của Pyramid, nhưng lại thiếu phần lý giải cho dự báo. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Network World, bà đã trình bày rõ hơn vì sao lại đánh giá hệ điều hành di động của Microsoft sẽ hồi sinh, khiến Nokia đặt cược tương lai mảng smartphone của hãng vào “canh bạc” này.

Những giải thích của bà có thể tóm tắt như sau:

- Trong thị trường điện thoại toàn cầu, Nokia vẫn là thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao.

- Nokia duy trì được mối quan hệ gần gũi và chặt chẽ với các nhà mạng không dây, điều mang tính quyết định cho một thương hiệu điện thoại bán được số lượng nhiều.

- Nokia đã chứng minh khả năng cung cấp những chiếc điện thoại hấp dẫn, giá thấp.

- Smartphone hiện mới chỉ được tiêu thụ nhiều ở những thị trường mới và lớn.

- Vị trí của Nokia tại Bắc Mỹ yếu hơn nhiều so với hầu hết các thị trường khác.

Theo phân tích của Pyramid, những thực trạng này sẽ tạo ra một làn sóng tăng cao, qua đó sẽ mang tới vị trí thống lĩnh cho Windows Phone 7.

Quan trọng hơn, Bokun nhấn mạnh rằng Android sẽ tiếp tục tăng trưởng cùng với Windows Phone 7. Cả hai sẽ chia sẻ thị trường trong vài năm tới, với tốc độ tăng trưởng chậm của Android, và tốc độ tăng trưởng của Windows Phone 7 ngày càng mãnh liệt, đặc biệt là trong các năm 2012 và 2013. Luận cứ của Bokun là lực đẩy thị trường sẽ làm tăng sinh khí cho Windows Phone 7. RIM và Apple sẽ giảm thị phần trong năm năm tiếp theo, mặc dù các hãng này vẫn sẽ tiếp tục bán được nhiều điện thoại.

Hồi đầu năm, IDC cho biết Nokia dẫn đầu thế giới về tất cả các loại điện thoại di động bán ra trong Quý 4/2010. Thị phần của hãng cũng tăng được chút ít cho cả năm 2010, với 453 triệu chiếc điện thoại xuất xưởng, tăng so với con số 431,8 triệu của năm 2009. Lượng hàng xuất xưởng trong Quý 4 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước do "cạnh tranh khốc liệt" và ảnh hưởng của việc thiếu hụt linh kiện. Tuy nhiên, mảng smartphone của Nokia lại tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Những kết luận sơ bộ trong bài viết trên blog của Bokun là hệ quả của phương pháp nghiên cứu của Pyramid, dựa trên các cuộc phỏng vấn do các nhà phân tích địa phương thực hiện với các nhà mạng và các hãng sản xuất thiết bị cầm tay tại 51 thị trường trên toàn thế giới. Các nhà phân tích sau đó rút ra dự đoán cho từng thị trường, rồi tất cả được tổng hợp lại thành một bản tóm lược về thị trường di động toàn cầu.

Trên toàn thế giới, Pyramid dự đoán có 3,6 tỷ smartphone sẽ được tiêu thụ trong vòng năm năm, khoảng từ đầu năm 2010 cho tới đầu năm 2015. Riêng thị trường Trung Quốc bán được 620 triệu máy, và Ấn Độ khoảng 300 triệu. Tại Trung Quốc, Nokia đứng đầu bảng với các smartphone chạy hệ điều hành Symbian của mình, mặc dù gần đây doanh số đã bị giảm 10% kể từ khi đạt “đỉnh”. Nhưng ngay cả với sự giảm sút này, Nokia vẫn chiếm 2/3 lượng smartphone (63%) bán ra tại Trung Quốc. Và cửa hàng ứng dụng trực tuyến Ovi của Nokia thành công nhất về số lượng ứng dụng được tải về, theo Bokun.

"Giả định của chúng tôi ở Trung Quốc là, Nokia sẽ giảm nhẹ trong năm 2011", Bokun nói. "Nhưng nhìn chung, nếu mọi thứ diễn ra đúng như những gì Microsoft và Nokia đã thương thảo, thì người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không quan tâm hay biết rằng điện thoại Nokia sẽ chạy Windows Phone 7 thay vì Symbian".

Đó mới chỉ là "nếu". Microsoft sẽ phải tiếp tục cuộc cách tân phần mềm cho Windows Phone 7, và tránh những sai lầm như đã xảy ra với bản cập nhật lần đầu tiên cho Windows Phone. Nokia sẽ phải sớm tung ra những chiếc điện thoại chạy hệ điều hành của Microsoft thực sự gây được chú ý, tốt nhất là vào dịp cuối năm; tận dụng quy mô sản xuất của mình để giảm giá thành, và áp dụng những “chiêu” tiếp thị để lôi cuốn người dùng mạnh hơn.

Lực lượng những người lần đầu tiên sắm smartphone sẽ là lực đẩy chính cho sự tăng trưởng ở Trung Quốc và các thị trường khác ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Mặc cho những thách thức từ các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei và ZTE, cung cấp điện thoại Android giá rẻ, Pyramid vẫn cho rằng Nokia sẽ tăng trưởng trở lại tại thị trường này vào năm 2012, dựa trên thế hệ điện thoại mới chạy Windows Phone 7.

Bokun nhìn nhận cả châu Phi và Trung Đông đều có mãi lực yếu: doanh số smartphone cho đến thời điểm hiện tại là rất thấp. Tại các thị trường lớn, Nokia vẫn là nhà vô địch về doanh số, và có các mối quan hệ rất mạnh với các nhà khai thác mạng không dây địa phương. Trong khi sự hiện diện của Android "vẫn còn trong giai đoạn phôi thai".

"Đối với Microsoft, Nokia sẽ đem Windows Phone 7 tới các nhà mạng", Bokun nói.

Smartphone phổ biến nhiều hơn ở Tây Âu so với các thị trường mới nổi. Hiện nay, trong năm quốc gia lớn nhất, 40% người dùng Smartphones đang sử dụng điện thoại Nokia, theo Bokun. Bà dự kiến thị phần của Nokia sẽ giảm 10% trong năm 2011, nhưng sẽ phục hồi vào năm 2012. "Nokia có truyền thống là một thương hiệu rất được ưa thích ở châu Âu. Những cuộc trao đổi của chúng tôi với các nhà khai thác mạng di động, cũng như dựa trên lịch sử, cho thấy điện thoại Nokia luôn chiếm ưu thế".

Tại Mỹ Latinh, theo Bokun, các nhà khai thác di động chủ yếu quan tâm tới giá thiết bị cầm tay. "Chúng tôi hy vọng sẽ thấy cuộc cách mạng về giá trong các sản phẩm Microsoft-Nokia", Bokun nói. "Nếu các nhà khai thác đang nói điều này với chúng tôi, thì hẳn là họ đã trao đổi với Microsoft và Nokia."

Bắc Mỹ là thị trường mà Nokia và Microsoft đã đánh mất lợi thế. Ở đây, tốc độ tăng trưởng hàng năm, trong giai đoạn 2010-1015, đối với smartphone chậm hơn, vào khoảng 17%, so với các thị trường khác (ví dụ với Mỹ Latin là 35%). Nhưng trong khoảng thời gian đó, Pyramid dự báo sẽ có 750 triệu smartphone được tiêu thụ.

Trong năm 2010, dẫn đầu thị trường smartphone tại Bắc Mỹ là RIM với 33% thị phần, và Apple với 20%, theo Pyramid. Nhưng thị phần của RIM đang bị co lại trong khi Apple tăng mạnh, theo Bokun. Thị phần smartphone của Nokia chỉ khoảng 2% - 3%, và Bokun dự kiến sẽ tiếp tục tăng (và bà nghĩ rằng nếu phần mềm Skype mà Microsoft mới mua lại được tích hợp như một phần của hệ điều hành Windows Phone, thị phần của hệ điều hành này sẽ tăng thêm 2% đến 3% ở Bắc Mỹ).

"Không có phép lạ (cho Nokia-Microsoft) ở thị trường Bắc Mỹ" Bokun nói.

Theo PCWorld VN


© 2007 -2024  Sacomtec | Homepage