Sacomtec

Sự thật video sóng điện thoại làm nổ bỏng ngô đang náo loạn Facebook Việt

Đây lại là một ví dụ mới cho thấy “cộng đồng mạng” quá nhẹ dạ cả tin và dễ bị dắt mũi như thế nào.

Bắt đầu vào ngày 26/5 vừa qua, một đoạn video mô tả cảnh 3 chiếc điện thoại phát sóng đủ năng lượng để… nổ bỏng ngô đã được cộng đồng mạng chia sẻ mạnh mẽ. Chủ tài khoản chia sẻ đoạn video này là “***** Linh”, một tài khoản chuyên đăng tải các đoạn video giật gân vốn chỉ có trên các nguồn tin không chính thống.

Lời tựa cho đoạn video này khẳng định: “Bạn có biết Sóng điện thoại nguy hại cỡ nào ko ? Có thể nổ chín bỏng ngô ko. Hãy cho trẻ em tránh xa Thế giới công nghệ vì nó nguy hiểm”.

Tại thời điểm chúng tôi viết bài, đoạn video này đã thu hút được hơn 651.600 lượt xem, 4.300 lượt like, 2.700 lượt bình luận và đặc biệt là 12.100 lượt chia sẻ. Không có gì quá ngạc nhiên, phần lớn các bình luận đều cho rằng đây là minh chứng cho thấy mức độ nguy hại đặc biệt của điện thoại di động. Trong đoạn video, tất cả các mẫu điện thoại được sử dụng chỉ là loại “cục gạch” phổ biến cách đây nhiều năm.


Đoạn video từ một tài khoản Facebook chuyên đăng tải nội dung lá cải và những lời bình luận đầy lo lắng.

Đoạn video từ một tài khoản Facebook chuyên đăng tải nội dung "lá cải" và những lời bình luận đầy lo lắng.

Một lần nữa, cộng đồng mạng đã bị dắt mũi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoạn video của “***** Linh” thực chất được ghép từ 3 đoạn video YouTube từ tháng 5/2008. Một trong số này là do tài khoản YouTube “bobtel08” đăng tải và hiện đã thu hút được gần 11 triệu lượt xem.

Nhưng không khó để nhận ra những dấu hiệu đáng ngờ trong đoạn video gây sợ hãi này. Đầu tiên, bạn có chú ý thấy rằng góc quay trong cả 3 “phân cảnh” của đoạn video này, vốn bao gồm 1 nhóm người Pháp, một nhóm người Mỹ và 1 nhóm người Nhật Bản, đều giống nhau? Tại sao cảnh nào cũng bao gồm 3 hoặc 4 người và đều có chiếc điện thoại trắng? Một bài báo của PC World được đăng tải chỉ vài ngày sau khi đoạn video trên xuất hiện trên YouTube vào năm 2008 đặt câu hỏi: “3 chiếc bàn đều được trang trí nhiều vật phẩm và các bức tường đều có màu kem. Kiểu quay rung tay đều giống nhau”.

Cả 3 video của Mỹ, Pháp, Nhật đều có chiếc điện thoại màu trắng? Trùng hợp?

Cả 3 video của Mỹ, Pháp, Nhật đều có chiếc điện thoại màu trắng? Trùng hợp?

3 đoạn video YouTube được đăng tải gần nhau, và thậm chí một số câu bình luận của chính các tác giả upload còn khẳng định “Trước đây chúng tôi đã từng thử nghiệm nhưng không làm được… Có vẻ là chỉ xảy ra với một vài thương hiệu hoặc mẫu điện thoại nhất định?”.

Không cần hiểu biết gì về khoa học, bạn đã có thể “đánh hơi” ra rằng đây là một chiêu trò marketing.

Khoa học nói gì?

Nhưng chỉ những dấu hiệu nghi vấn là không đủ để chứng minh. Ngày 6/9/2008, tạp chí khoa học công nghệ hàng đầu thế giới Wired đã nêu vấn đề này tới giáo sư Louis Bloomfield, bộ môn vật lý tại Đại học Virginia, Mỹ và cũng là tác giả cuốn Mọi thứ hoạt động như thế nào: Học Vật Lý từ những điều bình thường.

Giáo sư Bloomfield khẳng định: “Đoạn video này vui đấy, nhưng những gì mô tả sẽ chẳng bao giờ xảy ra”.

Đầu tiên, bạn cầu hiểu nguyên lý chế biến bỏng ngô. Trong lò vi sóng hoặc trên chảo nướng, năng lượng sẽ làm bốc hơi các hạt nước bên trong hạt ngô. Hơi nước sẽ bị giữ kín bên trong hạt ngô và tiếp tục phình ra một cách nhanh chóng cho tới khi hạt ngô nổ thành bỏng.


Cộng đồng mạng Việt Nam đang bị dắt mũi bởi những đoạn video từ 8 năm trước.

Cộng đồng mạng Việt Nam đang bị dắt mũi bởi những đoạn video từ 8 năm trước.

Đừng quên cơ thể của bạn có 70% là nước. Nếu điện thoại di động phát ra nhiều năng lượng tới vậy, chắc chắn những người cầm điện thoại trong đoạn video nói trên đều đã bị bỏng tay khi cầm điện thoại.

Giáo sư Bloomfield cũng loại bỏ khả năng nhiều chiếc điện thoại có thể cộng hưởng sóng hoặc cộng hưởng… lực rung để gia tăng nhiệt lượng truyền đi trong không gian. “Rung điện thoại không có tác dụng gì vì chúng sẽ gây ảnh hưởng lẫn nhau. Cần lưu ý điện thoại nhận tín hiệu từ trạm phát chứ không phải là thiết bị truyền tín hiệu”.

Cuối cùng, âm thanh do điện thoại phát ra cũng không đủ để tạo ra nhiệt lượng làm nóng bỏng ngô: “Điều đó giống như là tập hợp nhiều ca sĩ opera để hát cho tới lúc… bỏng ngô nổ vậy”, giáo sư Bloomfield cho biết.

Hiểu rõ về bản chất sóng

Thực chất, tất cả các loại sóng điện từ khi va chạm với cơ thể con người đều sinh ra nhiệt lượng. Điều này có nghĩa rằng kể cả khi bạn đến gần đường dây điện hay các thiết bị điện bình thường, sóng phát ra từ các thiết bị này vẫn sẽ khiến cơ thể bạn nhận thêm nhiệt lượng.

Nhưng tất cả các loại sóng điện từ trong môi trường gia dụng, bao gồm cả sóng điện từ, sóng FM, sóng di động và Wi-Fi đều không phải là loại sóng ion hóa.

Không có một nghiên cứu xác thực nào khẳng định sóng không ion-hóa từ điện thoại di động có thể gây ung thư ở người. Lưu ý rằng Wi-Fi được xếp vào nhóm yếu tố gây ung thư cáp độ 2B theo bảng xếp hạng của Tổ chức Nghiên cứu Thế giới. Nhóm 2B là nhóm các chất “có thể” gây ung thư.

Đừng để chữ “có thể” của các nhà khoa học khiến bạn hiểu sai. Sở dĩ Wi-Fi bị xếp vào nhóm 2B là bởi theo đúng định nghĩa của nhóm này, “bằng chứng cho thấy chất này có thể gây ra ung thư ở người quá hạn chế và không có đủ bằng chứng cho thấy chất này gây ra ung thư ở động vật”. TheoIFL Science, các nghiên cứu kết luận điện thoại di động hoặc Wi-Fi có liên hệ với ung thư đều bị thực hiện sai lệch, có nhiều lỗi, “đưa ra bằng chứng cực kỳ không đáng tin cậy”.

Trong bảng xếp hạng các chất gây ung thư của WHO, nhóm 1 và nhóm 2A sẽ khiến bạn cực kỳ lo ngại, nhưng ngay cả những chất như cà phê và rau củ muối cũng nằm trong nhóm 2B. Nhóm 2B hoàn toàn có thể coi là danh sách "lỡ như" của WHO để ghi nhận các chất bị ai đó cáo buộc là gây ung thư nhưng lại không hề có bằng chứng khoa học thuyết phục.

Nói tóm lại, trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ nhận nhiệt lượng do sóng di động và sóng Wi-Fi mang tới. Nhưng nhiệt lượng đó quá, quá thấp để có thể gây bất cứ nguy hại nào.

Đừng để bị dắt mũi

Vậy rút cuộc hiện tượng dùng điện thoại di động để nổ bỏng ngô là như thế nào? Một tháng sau khi các đoạn video trên xuất hiện trên YouTube, Abraham Glezerman, ông chủ của nhà sản xuất tai nghe Bluetooth Cardo Systems đã xuất hiện trên sóng CNN để thừa nhận rằng điện thoại cục gạch có thể nổ bỏng ngô là nhờ… kỹ xảo.

Bật mí từ chính ông chủ của chương trình marketing lừa đảo.

Bật mí từ chính ông chủ của chương trình marketing lừa đảo.

Thật ra kết quả là nhờ có một cái bếp và kỹ xảo điện ảnh”, ông Glezerman cho biết.

Vậy là các anh đã nướng bỏng nô ở đâu đó và sau đó chỉ ‘thả’ nó vào đoạn video và xóa các hạt ngô ban đầu đi bằng kỹ xảo?”, biên tập viên Jason Carroll của CNN đặt câu hỏi.

Đúng là như vậy”, vị CEO của nhà sản xuất tai nghe Cardo Systems khẳng định.

8 năm trước, người dùng YouTube trên thế giới đã bị dắt mũi. 8 năm sau, hàng trăm nghìn cư dân mạng Việt Nam lại trở thành nạn nhân của một chiến dịch marketing khôn khéo nhưng sai lệch sự thật.

Tiếp cận thông tin trên mạng như thế nào?

Chúng tôi phản đối những đoạn video lừa đảo trên không phải là để phủ nhận những tác hại mà smartphone có thể gây ra - bạn vẫn cần phải sử dụng smartphone điều độ và tránh dùng khi đang sạc. Nhưng, trong thời đại hỗn loạn thông tin, một “cư dân mạng” thông minh cần phải biết sử dụng bộ não của mình để bóc tách và tìm hiểu thông tin. Các thiết bị điện, điện tử và cả sóng Wi-Fi đã gắn bó và cải thiện cuộc sống của con người từ rất lâu rồi. Nếu hiểu sai bản chất của chúng, bạn sẽ không nhìn ra nguyên nhân thực sự của các vấn đề trong cuộc sống.

Liệu bạn có nên cất công (và có thể) tìm được một ngôi nhà không nằm trong phạm vi sóng Wi-Fi của ai đó để con mình lớn lên được “an toàn tuyệt đối”? Liệu khi các cháu nhỏ bị đau đầu, bạn sẽ đổ tại cục phát Wi-Fi vốn phát điện năng chỉ 1 watt ra tứ phía đang đặt ở phòng kế bên hay là tại cửa sổ luồn gió mà bạn đã để đóng tối qua? Đổ lỗi cho các loại sóng vốn hoàn toàn vô hại là một hành vi cực kỳ thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm. Chúng khiến bạn không thể nhìn ra bản chất của vấn đề.

Và ngay cả trong trường hợp nghe “loáng thoáng” một chương trình TV, một trang báo lá cải xuyên tạc hay một… “hot facebooker” dẫn chứng nghiên cứu nào đó rằng sóng xyz sóng abc có thể gây hại, hãy tỉnh táo tiếp tục tìm thông tin tham chiếu trên mạng. Các nhà khoa học hiển nhiên không phải là những người hoàn hảo; nhiều nghiên cứu đã bị chứng minh không chỉ là có quá nhiều lỗi mà còn là bóp méo sự thật. Đại họa vaccine khiến cho các dịch bệnh tưởng đã chìm vào quá khứ bỗng dưng trở lại đã diễn ra vì những nghiên cứu như thế.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng chiếc điện thoại chỉ là một công cụ. Nếu bạn để cho con mình lạm dụng các thiết bị công nghệ rồi đổ hết các tật thị giác, các vấn đề về cột sống nói riêng và sức khỏe nói chung cho công nghệ, bạn là một bậc cha mẹ vô trách nhiệm. Nhưng nếu bạn biết kiểm soát quá trình sử dụng công nghệ của trẻ em, biết thu hút chúng tới những ứng dụng giáo dục hữu ích trên điện thoại và máy tính, biết dạy cho chúng tình yêu công nghệ đích thực, bạn sẽ góp phần tạo ra một thế hệ hoàn hảo cho tương lai.

Theo ICTNEWS


© 2007 -2024  Sacomtec | Homepage