Mạng xã hội phát triển kéo theo xu hướng bán hàng online nở rộ, ngày càng có nhiều cửa hàng bán đồ trực tuyến mọc lên. Phần lớn các chủ cửa hàng đều rất trẻ tuổi, hình thức mua bán thông qua chuyển khoản và ship hàng.
Với ưu thế không tốn chi phí thuê mặt bằng, lợi nhuận ổn định, hàng hoá phong phú và kênh quảng bá hiệu quả là Facebook và các diễn đàn, vô hình chung đây lại chính là môi trường mà những kẻ lừa đảo nhắm tới.
Mới đây một chủ cửa hàng có nickname Pearl Vũ đã "vạch trần" hành vi lừa đảo lợi dụng chuyển khoản qua ngân hàng để lừa người bán. Người mua hàng chủ động liên hệ với người bán, sau đó thoả thuận giá cả và số tài khoản để chuyển tiền. Kẻ lừa đảo vẫn thực hiện đúng các bước mua hàng online như bình thường, tuy nhiên ngay sau khi viết giấy chuyển tiền có đóng dấu đỏ xác nhận của chi nhánh ngân hàng đó. Điều đáng nói là ngay sau khi viết giấy chuyển tiền, kẻ lừa đảo lập tức thực hiện lệnh huỷ giao dịch để đảm bảo hoàn tiền trong khi giấy chuyển vẫn còn nguyên.
Trên thực tế khi thực hiện lệnh huỷ, ngân hàng đều có đóng dấu đỏ trên giấy chuyển tiền để tránh nhầm lẫn. Kẻ lừa đảo đã khéo léo lấy tay che đi phần dấu xác nhận huỷ, sau đó chụp hình lại và gửi cho người bán. Thông thường chúng sẽ lấy lý do chuyển tiền vào cuối giờ chiều ngày thứ 6 nên tiền chuyển khoản tới chậm, do đó chụp lại giấy chuyển để xác minh với người bán và yêu cầu người bán chuyển hàng ngay với lý do như kịp xe chuyến cuối ngày.
Bên cạnh hàng vi chuyển tiền trực tiếp qua chi nhánh, các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng hình thức chuyển tiền qua Internet Banking đề mua hàng. Khi thực hiện chuyển tiền qua Internet Banking, chúng đều sử dụng các dịch vụ của ngân hàng khác với ngân hàng của người bán. Chính vì thế khi chuyển tiền khác ngân hàng, người bán sẽ không nhận được tiền ngay mà số tiền sẽ được khoanh giữ và chuyển đi sau khi hết giờ làm việc. Ngay sau khi có thông báo chuyển khoản, kẻ lừa đảo sẽ chụp lại màn hình và gửi cho người bán sau đó ra các cây ATM gần nhất rút hết tiền trong tài khoản. Đến thời gian thực hiện giao dịch, ngân hàng kiểm tra số dư tài khoản không đủ và giao dịch sẽ bị huỷ, trong khi người bán thì an tâm rằng tiền đã được khoanh giữ và chuyển tới tài khoản của mình.
Nếu chủ cửa hàng online không chú ý và thực hiện gửi hàng, kẻ lừa đảo sẽ hẹn nhận hàng ở địa điểm định sẵn và dùng sim rác để liên lạc. Giao dịch hoàn tất và người bán hàng không hề nhận được thông báo số tiền về tài khoản của mình.
Hành vi trên đã xuất hiện khá nhiều tính tới thời điểm hiện tại. Với những món đồ giá trị nhỏ, người bán có thể chấp nhận mất đồ, nhưng với đơn hàng lên tới cả triệu đồng, đặc biệt những món đồ hiệu đắt tiền thì hành động trên hoàn toàn có thể nhờ pháp luật can thiệp.
Một lời khuyên cho những chủ cửa hàng mua bán online trong thời kỳ "thật giả lẫn lộn" là hãy tỉnh táo, sử dụng các dịch vụ như SMS Banking và Internet Banking để kiểm tra khi nào tiền được chuyển tới tài khoản, và chỉ chuyển hàng khi chắc chắn số tiền đã được chuyển. Đồng thời nên thực hiện giao dịch ở những địa điểm rõ ràng, tránh chuyển hàng ở các ngã ba, ngã tư hay quán nước.