Phát biểu tại MWC, phụ trách phát triển Android, Sundar Pichai thừa nhận, Google tập trung vào sự “tự do” trong thiết kế và phát triển hệ thống mở thay vì nhấn mạnh vào bảo mật. Điều này đã khiến Android xuất hiện nhiều lỗ hổng với số lượng phần mềm chứa mã độc ngày càng tăng.
|
Thống kê các mối nguy hiểm trên Android. Nguồn: Appleinsider |
Theo báo cáo đầu năm 2014 của Cisco, 99% các phần mềm độc hại cho di động nhắm tới hệ điều hành Android. Tuy vậy, nếu các thiết bị chạy trên phiên bản Android mới nhất thì 77% các mối nguy hiểm sẽ được loại bỏ.
Khi được hỏi về số lượng phần mềm độc hại trên Android, người đứng đầu dự án cho biết, Android thực sự “không được thiết kế để an toàn” mà để mang đến sự “tự do”.
Báo cáo 7/2013 của Chính phủ Mỹ cũng nhận định, Android tiếp tục là mục tiêu chính cho các cuộc tấn công trên di động do có nhiều phần mềm độc hại và kiến trúc mở. Vấn đề này có thể cải thiện bằng việc cập nhật Android lên phiên bản mới hơn nhưng hiện tại, hệ điều hành này đang có sự phân mảnh rõ rệt.
|
Thị phần các phiên bản Android. Nguồn: Appleinsider. |
Theo một thống kê, vẫn còn 20% thiết bị chạy trên nền tảng Android 2.3 Gingerbread, trong khi đó, phiên bản mới nhất 4.4 KitKat chiếm chưa đầy 2%. Đến thời điểm khảo sát, 27% người dùng Android đang dùng phiên bản có khả năng bảo mật trong khi đó 73% còn lại có nguy cơ mất an ninh nghiêm trọng.
Mặc dù iOS 7 phát hành cùng thời điểm với Android KitKat nhưng các thiết bị của Apple đã nhanh chóng được cập nhật lên phiên bản mới nhất. Có 82% người dùng đã nâng cấp lên phiên bản iOS 7. Không chỉ vậy, với iOS 6, mặc dù không tiếp tục phát triển nhưng Apple cũng phát hành bản vá lỗi.
Theo IDC, Apple đang có ưu thế áp đảo tại các cơ quan, doanh nghiệp và chính phủ nhờ khả năng bảo mật của iOS tốt hơn Android. 73% thiết bị doanh nghiệp dùng hệ điều hành iOS trong đó, máy tính bảng iPad gần như không có đối thủ khi chiếm 91,4% tổng số máy tính bảng được sử dụng.