Trang trong - Tin tức
Công khai rao bán phần mềm theo dõi cuộc gọi, tin nhắn OTT
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không chỉ đơn thuần nghe lén cuộc gọi, theo dõi tin nhắn SMS… thông thường, một số doanh nghiệp trong nước đang rao bán công khai loại có thêm khả năng theo dõi cả tin nhắn, cuộc gọi từ ứng dụng OTT.

Đủ loại phần mềm gián điệp được rao trên website một công ty cung cấp dịch vụ theo dõi tại TP.HCM. Ảnh chụp màn hình ngày 8/1/2014

  Vài năm trở lại đây, vấn nạn phần mềm nghe lén, theo dõi “ngầm” điện thoại di động (được cài đặt thủ công bởi đối tượng muốn nghe lén hoặc tự động cài do ẩn sẵn trong các ứng dụng - PV) đang trở thành nỗi ám ảnh đối với cộng đồng người dùng smartphone.

  Dù bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tiếp tay cho hành vi vi phạm Điều 125 Bộ Luật hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” nhưng loại phần mềm này vẫn ngang nhiên tồn tại.

  Tìm hiểu thực tế của phóng viên ICTnews cho thấy, trên mạng chủ yếu đang rao bán khoảng 4 loại phần mềm với các tên gọi khác nhau như Amaza Tracker, Spyphone, Copyphone, Mobile Spy xuất xứ từ nước ngoài, tương thích với hầu hết các loại hệ điều hành Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry, được cập nhật cho những dòng máy đời mới nhất.

  Không xuất hiện trên các website mua bán rao vặt như 1 - 2 năm trước, các loại phần mềm cấm này chủ yếu do một số cá nhân, doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM kinh doanh công khai với địa chỉ, số điện thoại cụ thể. Thậm chí, được tung lên hàng chục trang web như thamtunhatXXcom, anhducXXcom, phanmemXXcom, thamtutoanXX, theodoiXX.com, voXX.com…

  Trong vai người có nhu cầu sử dụng, qua trao đổi điện thoại, phóng viên ICTnews đã nhận được vô số lời mời chào, hỏi nhu cầu sử dụng. Không cần úp mở, bên cạnh việc được quảng cáo với mục đích “hướng thiện” như quản lý điện thoại cá nhân trước nạn trộm cắp, quản lý con cái tốt hơn thì không ít doanh nghiệp nói thẳng vào mục đích dùng để quản lý nhân viên cấp dưới, theo dõi ngoại tình của vợ hoặc chồng, người tình, đối thủ…

  Tuy nhiên, có doanh nghiệp cũng tỏ ra “tỉnh táo” kèm theo điều kiện công ty không chịu trách nhiệm việc sử dụng phần mềm theo dõi điện thoại cho các mục đích tư lợi bất hợp pháp, làm hại người khác.

  Cụ thể hơn, một số doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM hiện quảng bá, rao bán đủ loại phần mềm gián điệp dành cho các loại hệ điều hành, từ smartphone của HTC, Samsung, Sony, Google Nexus… cho tới iPhone với loại đời mới nhất iPhone 5S.

Untitled.png

Thông tin về phần mềm gián điệp trên website giới thiệu của một công ty cung cấp dịch vụ theo dõi tại Hà Nội. Ảnh chụp màn hình sáng ngày 8/1/2014.

  Theo thông tin do công ty này cung cấp, với loại phần mềm mới nhất áp dụng cho tất cả smartphone, khi hoạt động sẽ ghi âm mọi cuộc gọi đi và đến, bản sao các tin nhắn, lấy trộm danh bạ, hình ảnh được chụp qua camera, ghi âm môi trường xung quanh, định vị GPS…

  Trong đó, đáng lo ngại hơn là công nghệ của một số loại phần mềm gián điệp nói trên còn có thể theo dõi cả tin nhắn, cuộc gọi miễn phí trên Line, Viber, WhatsApp, Facebook, Yahoo… (hiện đa phần mới tương thích với smartphone chạy hệ điều hành Android và iOS). Các thông tin được sao chép theo dạng từng file, chuyển về địa chỉ email của đối tượng muốn nghe lén mỗi khi máy của đối tượng bị cài đặt phần mềm kết nối Internet qua Wi-Fi, 3G.

  Về giá bán, loại phần mềm gián điệp có giá khá đa dạng, từ 2 triệu đồng cho tới hàng chục triệu đồng. Loại thông thường không có tính năng theo dõi ứng dụng OTT có giá khoảng 2 triệu đồng, được “bán đứt” để người dùng cài đặt. Trong khi đó, loại phần mềm Spyphone dạng bản đầy đủ (có tất cả các tính năng như đề cập ở trên, trong đó “xử lý” cả ứng dụng OTT) thì có nơi hét giá sử dụng trong 3 tháng là 4 triệu đồng, còn 1 năm là 8 triệu đồng, được bên bán hỗ trợ về kỹ thuật trong suốt thời gian sử dụng.

Hình ảnh minh họa cơ chế hoạt động của Spyphone

  Nếu ở xa, bên mua chỉ cần chuyển khoản và bên bán sẽ gửi đường dẫn tới phần mềm và mã cài đặt để cài lên máy đối tượng muốn theo dõi.

  Thậm chí, để dụ người dùng, có công ty còn tung ra quảng cáo như thách thức các đơn vị về bảo mật đó là đảm bảo sau khi cài đặt “100% không bị phát hiện”.


Điều 125 Bộ Luật hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác:

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 - 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 - 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm.


Theo ICTNEWS

Các tin đã đăng:
Visitor