Không thể phủ nhận trong quá trình sử dụng smartphone, sẽ có những rắc rối cả lớn lẫn nhỏ xảy ra khiến chúng ta đau đầu. Có những sự cố thường hay xảy ra nhưng phần nhiều người dùng lại không biết xử trí dù cho đôi khi các khắc phục lại rất đơn giản.
1. Điện thoại rơi vào nước
Trừ khi đó một chiếc điện thoại chống nước, thì chẳng ai muốn điện thoại của mình rơi vào nước cả. Tuy nhiên, nếu điều đó không may xảy ra với điện thoại của mình, bạn cần bình tĩnh xử lý vấn đề theo các bước như sau.
Đầu tiên, ta phải lập tức tắt nguồn điện thoại nếu thấy máy vẫn còn bật trong trường hợp chiếc điện thoại đó bị tắt nguồn, cũng không được bật lên vì khi đó khả năng thiết bị chập mạch là rất cao và khi đã chập mạch rồi thì đừng mong nó có thể hoạt động bình thường được nữa. Tiếp theo, chúng ta cần tháo mặt sau, pin, thẻ sim và tháo tất cả những thứ có thể tháo được để lau khô từng thứ một. Tuyệt đối không được dùng máy sấy để sấy điện thoại vì nước sẽ bị bay hơi và thấm sâu vào các mạch điện gây hư hại không nhỏ cho chiếc điện thoại.
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ điện thoại gặp những "căn bệnh lạ" sau khi xuống nước, chúng ta hãy để máy vào trong thùng gạo từ 2 đến 3 ngày. Những hạt gạo sẽ hút ẩm và ngăn ngừa quá trình oxy hóa diễn ra khi điện thoại bị nhúng vào nước. Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả mà ít người biết để xử lý khi điện thoại của mình chẳng may bị rơi vào nước.
2. Các phím bấm cứng bị chai
Các phím bấm cứng bị chai là một trong những trường hợp rất hay xảy ra trên các thiết bị di động dù cả trên máy cao cấp lẫn giá rẻ. Nguyên nhân là do người dùng bấm nhiều dẫn đến các mạch tiếp xúc bên dưới nút bấm cứng trở nên kém nhạy. Mẹo nhỏ để khắc phục mà không cần phải bung máy, bạn có thể áp dụng trong trường hợp này là nhỏ vài giọt cồn vào nút bấm bị chai sau đó bấm liên tục nút bấm đó. Cồn sẽ nhanh chóng thấm vào bên trong và làm sạch các đầu tiếp xúc giúp cho nút bấm bị chai trở nên nhạy, dễ bấm hơn.
3. Kết nối smartphone với máy tính chập chờn
Đối với các vọc sĩ, kết nối smartphone với máy tính là chuyện thường làm nhằm thỏa mãn sở thích mày mò, khám phá. Khi cảm thấy điện thoại kết nối với máy tính khó khăn, lúc được, lúc không thì cũng là thời điểm mà bạn nên xem cáp kết nối và các đầu cắm. Trong quá trình sử dụng lâu ngày, bụi bẩn có thể bám vào các chân kết nối trên điện thoại hoặc dây cáp và gây ra hiện tượng khó kết nối.
Để xử lý rắc rối này, đơn giản chỉ cần làm sạch bụi bẩn bám trên các chân tiếp xúc của cáp kết nối hay điện thoại bằng cách sử dụng một que tăm hoặc que thép nhỏ chọc vào các chân tiếp xúc này để làm bong bụi bẩn. Trường hợp hiện tượng khó kết nối vẫn xảy ra thì bạn nên thử sử dụng một dây cáp khác để nối máy tính với smartphone.
4. Mặt kính camera bị xước hoặc vỡ
Những chiếc điện thoại có thiết kế camera nhô ra như Galaxy S II rất dễ khiến cho mặt kính bảo về camera bị xước. Về lâu về dài, những vết xước dày đặc lên có thể ảnh hưởng tới chất lượng ảnh chụp trên máy. Trường hợp xấu nhất là mặt kính camera bị nứt hoặc vỡ thì thay mới mặt kính này là điều bất khả kháng nếu như bạn vẫn còn muốn chụp ảnh bằng chiếc smartphone đó.
Để thay thế mặt kính của camera, bạn hoàn toàn có thể tận dụng từ mặt kính của những thiết bị cũ đã không còn sử dụng được nữa như như máy nghe nhạc hay đầu DVD. Việc thay mặt kính mới cho camera như thế này cũng không phải dễ dàng nhưng không thay thì lại càng không được.
5. Smartphone Android chạy chậm dần
Khi bạn mới mua smartphone Android, máy chạy rất nhanh nhưng giờ đây, phải mất lúc lâu chiếc điện thoại đó mới mở được ứng dụng tin nhắn hoặc phải mất vài giây để load xong game yêu thích. Đó là lúc mà bạn cần phải làm mới lại chú dế của mình bằng cách xóa vùng nhớ đệm ứng dụng trong phần Settings. Bạn cũng có thể dùng thử một launcher mới nhẹ hơn để cải thiện tình trạng này. Đơn giản hơn đó là cài đặt một ứng dụng dọn dẹp miễn phí cho điện thoại Android trên Play Store chẳng hạn như ứng dụng NQ Mobile Guard . Bạn sẽ thấy điện thoại của mình nhanh hơn rất nhiều sau thao tác dọn dẹp này.
6. Chai pin
Chai pin là điều không ai muốn nhưng lại rất hay xảy ra với những ai có thói quen vừa sạc vừa chơi game trên điện thoại. Thay pin là một giải pháp hoàn hảo đối với những mẫu smartphone có thể tháo rời pin, nhưng với những smartphone không thể tháo pin hoặc bạn không muốn phải mất tiền để mua pin mới. Thay đổi lại thói quen sử dụng điện thoại là phương án dễ thực hiện nhất. Cụ thể, để tăng thời gian sử dụng trên điện thoại đã bị chai pin, chúng ta nên gỡ bỏ bớt những ứng dụng không sử dụng đến, giảm độ sáng màn hình hay tắt các kết nối khi không sử dụng đến. Cũng có thể sử dụng các ứng dụng để quản lý pin một cách tự động như NQ Easy Battery Saver Free. Những cách làm đơn giản này khi kết hợp với nhau có thể cải thiện đáng kể thời gian sử dụng trên một chiếc smartphone đã bị chai pin.
Đó chỉ là vài cách xử lý đơn giản mà bạn có thể áp dụng khi thấy smartphone của mình có vấn đề. Tuy nhiên, với những tình huống phức tạp hơn, chúng ta cũng không nên làm liều, khi đó có thể dế yếu của bạn còn có nguy cơ lâm vào "trọng bệnh" thay vì những cảm nhẹ thông thường như trên.