Cuộc chiến giữa các hệ điều hành dành cho thiết bị di động nói chung và điện thoại thông minh nói riêng đang "nóng" lên từng ngày, điển hình là sự xuất hiện muộn màng nhưng đầy sức công phá của Windows Phone 7. Ngoài iPhone OS, giờ đây, cựu binh Symbian có thêm vài đối thủ mới đáng gờm hơn như Android của Google, Bada của Samsung cũng như HĐH riêng của RIM.
Có thể khẳng định, sóng gió dường như chưa bao giờ "lặng" trên đấu trường HĐH dành cho TBDĐ. Hôm 1/10/2010, trong một thông cáo, Samsung cho biết, kể từ ngày 31/12/2010, hãng này sẽ không tiếp tục hỗ trợ Symbian trong các hoạt động sáng tạo của chương trình Mobile Innovator. Trước đây, Samsung từng duy trì chiến lược phát triển đa nền tảng trong đó có Symbian, tuy nhiên thực tế là từ tháng 2/2009 đến nay, hãng này không trình làng bất kỳ mẫu ĐTTM nền Symbian nào. Thay vào đó, hãng sản xuất ĐTDĐ lớn hàng thứ 2 thế giới đã thể hiện sự tập trung phát triển các mẫu ĐTTM dựa trên nền tảng HĐH riêng là Bada, cũng như trên nền tảng Android và Windows Phone 7.
Theo bà Carolina Milanesi - Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Gartner, Samsung quả là 1 công ty rất cơ hội trong lĩnh vực HĐH. Nếu một hãng viễn thông lớn như Vodafone yêu cầu hãng này sản xuất một mẫu ĐTTM nền Symbian, họ có thể đồng ý - bà Milanesi cho biết.
Qua việc Sony Ericsson gần đây quyết định chia tay Symbian và Samsung nhận thấy thiếu sự hấp dẫn ở HĐH này, làng công nghệ đã không ít lần cảnh báo Nokia cần thay đổi cách thức mà Symbian được phát triển. Trước đây, hồi tháng 7, ông Ben Wood - Giám đốc nghiên cứu tại CSS Insight cũng từng cho rằng Nokia đã tính sai nước cờ khi biến Symbian thành một nền tảng nguồn mở. Theo ông Wood, việc thiếu sự hỗ trợ từ các hãng sản xuất khác có nghĩa là Nokia phải tự mình thực hiện hầu hết mọi việc, trong khi đó "tính mở" của HĐH lại cho phép các đối thủ quan sát "cận thành" mọi bước đi của Nokia. "Có lẽ, Nokia không muốn giữ khư khư Symbian trong vườn nhà, tuy nhiên HĐH này cần được cọ xát nhiều hơn để đẩy mạnh sự phát triển nếu muốn bắt kịp khả năng dễ sử dụng mà các ĐTTM nền Android và iOS cung cấp", bà Milanesi nhìn nhận.
Trong khi đó, Nokia vẫn đang làm mọi thứ tốt nhất cho N8, mẫu ĐTTM trên nền phiên bản Symbian mới nhất là Symbian 3. Trong buổi họp báo ra mắt sản phẩm X3 "Chạm & Bấm" tại Việt Nam cuối tháng 9 vừa qua, ông William Halmilton Whyte - Tổng giám đốc Nokia Đông Dương từng nói rằng, ở Nokia World 2010 (diễn ra vào trung tuần tháng 9/2010 tại Luânđôn, Anh), tuy không có sản phẩm Nokia mới chạy nền Maemo được giới thiệu nhưng Nokia sẽ trình làng nhiều thiết bị mới chạy HĐH này và Symbian 3 trong năm nay.
Còn với Apple, sau thành công ngoài mong đợi của iPad và cả iPhone 4, thật khó có gì khiến Apple nghĩ đến một HĐH này khác cho iOS, thay vào đó là những phiên bản nâng cấp mới hơn để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Microsoft "soi" Android
Còn với tân binh Windows Phone 7 (sẽ được chính thức phát hành vào ngày 11/10/2010), Microsoft hoàn toàn có thể tự tin xuất xưởng khi có trong tay vài đối tác ruột như Asus, HTC, LG, Samsung, Dell, Sony Ericsson và cả Toshiba. Đáng ngạc nhiên, vào thứ 6 cuối cùng của tháng 9 vừa qua, Microsoft đã đệ đơn kiện Motorola và các mẫu điện thoại Android của hãng này vi phạm 9 bằng sáng chế hiện do Microsoft nắm giữ lên Ủy ban Thương mại Quốc tế và Tòa án Liên bang Mỹ. Đây có thể xem là cú ra đòn đầu tiên mà gã khổng lổ trong lĩnh phần mềm nhắm đến Motorola nói riêng và nhiều hãng điện thoại khác nói chung bởi Microsoft hy vọng việc sử dụng ưu thế trong lĩnh vực bằng sáng chế như là cách thức để làm cho ứng dụng di động của mình "cách biệt" với các đối thủ.
Theo cáo buộc của Microsoft, các vi phạm bằng sáng chế của Motorola liên quan đến tính năng Microsoft Exchange ActiveSync giúp đồng bộ email, lịch và danh bạ giữa một ĐTDĐ và 1 phần mềm chạy trên máy tính cá nhân; hay các công nghệ liên quan đến việc hiển thị cường độ sóng và trạng thái pin trên điện thoại. Dù Google đã có bản quyền ActiveSync để sử dụng trong HĐH Android, nhưng Microsoft có thể lên kế hoạch tranh cãi với các hãng sản xuất thiết bị cầm tay khác vốn đang trang bị các công nghệ Microsoft cho các sản phẩm nền Android và có sử dụng tính năng ActiveSync. Trong khi đó, theo Horacio Gutierrez - Giám đốc pháp lý tại Microsoft, "các hãng như HTC, Samsung, Sony Ericsson, Dell đều đã có bản quyền sử dụng ActiveSync".
Giới phân tích cho rằng, Microsoft có thể sử dụng vụ kiện này như là 1 cách thức nhằm gây áp lực lên Motorola để hãng này sản xuất ĐTDĐ sử dụng Windows 7 bởi trước đây Motorola từng sản xuất ĐTDĐ sử dụng HĐH mới của Microsoft nhưng giờ lại "ngả về" Android. Cũng có ý kiến cho rằng, Motorola không sẵn sàng mua bản quyền ActiveSync bởi vì số tiền phải trả cho việc này nếu có sẽ không nhỏ, chí ít cũng vài trăm triệu USD.
Những ồn ào liên quan đến Android không chỉ xuất phát từ Microsoft. Trước đây, Apple cũng kiện các mẫu ĐTDĐ chạy Android của HTC, trong khi đó Oracle cũng đã tố cáo Google vi phạm bản quyền trong cách thức hỗ trợ Java trên ĐTTM Android. Ở một chừng mực nào đó, Android thực sự đang đứng dưới những đám mây đen và dường như những gì Google phải làm trong lúc này chính là hành xử trên tinh thần xây dựng và hòa thuận với những hãng đang nắm giữ các bằng sáng chế có liên quan. Về phần mình, Motorola cho biết sẽ "kháng cự" hết sức trước những cáo buộc của Microsoft. Tuy nhiên, nhiều hãng phần mềm lo ngại sự đối đầu giữa Microsoft và Motorola sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển các ứng dụng dành cho Android lẫn Windows Phone 7.