Trang trong - Tin tức
Các bước để mở nhà thuốc thành công
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mở nhà thuốc, quầy thuốc của riêng mình là ước mơ của nhiều dược sĩ. Vậy quy trình mở nhà thuốc mới là gì?

mo-nha-thuoc-tu-nhan.jpg

1. Các bước chuẩn bị trước khi mở nhà thuốc

Muốn mở nhà thuốc thuận lợi, bạn cần chuẩn bị sẵn những yếu tố sau:

1.1. Chuẩn bị về kinh nghiệm

Làm điều gì cũng cần có kinh nghiệm, mở nhà thuốc cũng vậy. Nếu chưa có bất kỳ kinh nghiệm gì trong việc kinh doanh, điều hành nhà thuốc thì bạn nên thực tập tại một nhà thuốc của bạn bè hoặc người thân từ 2 - 3 tháng.

Trong quá trình thực tập, bạn hãy quan sát cách nhà thuốc vận hành từ đó đúc kết được kinh nghiệm thực tế, đưa ra được những khó khăn có thể gặp cho nhà thuốc của bạn trong tương lai. 

1.2. Thiết lập kế hoạch tài chính

Đây là bước chuẩn bị khá quan trọng trước khi mở nhà thuốc. Hãy lên kế hoạch quy mô nhà thuốc mà mình muốn mở.

Từ đó, bạn sẽ xác định được ngân sách cần chuẩn bị cho các khoản cố định như chi phí mặt bằng, chi phí cơ sở vật chất, chi phí hồ sơ giấy tờ, nhân viên,…

Đặc biệt, kế hoạch tài chính phải tính lâu dài, bởi ngay từ những tháng kinh doanh đầu có thể bạn chưa thu được lợi nhuận nhiều và cần bỏ tiền túi ra duy trì nhà thuốc của mình.

1.3 Địa điểm kinh doanh

Địa điểm kinh doanh ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của nhà thuốc. Vì vậy, chủ nhà thuốc cần lựa chọn địa bàn cẩn thận. Bạn có thể lựa chọn địa điểm mở nhà thuốc dựa vào các tiêu chí sau:

  • Dân cư đông đúc, ưu tiên những vị trí gần chợ, ngã giao đường, trên các tuyến đường lớn, gần bệnh viện hoặc phòng khám,...
  • Giá cả thuê nhà thuốc vừa phải, chiếm 40% lợi nhuận dự tính của nhà thuốc.
  • Càng ít nhà thuốc cạnh tranh càng tốt: Trong khoảng bán kính 500m đối với thành thị và 1000m đối với vùng nông thôn không quá 5 nhà thuốc.
z3420283626718_e1983fe2d69d8c5f2b1832190dd7cd20.jpg

1.4. Tuyển dụng nhân sự

Thông thường, nhà thuốc sẽ mở cửa từ sáng sớm tới tối muộn và hay chia làm 2 ca/ngày. Do đó, dù bạn đã đứng bán 1 ca thì vẫn cần tuyển dược sĩ đứng quầy nữa.

Lương của dược sĩ đứng quầy được tính theo công thức: 

Lương = Lương cơ bản + lương phụ cấp + thưởng.

Thỏa thuận lương, thưởng cũng là một trong các yếu tố bạn cần nắm dữ để tuyển được nhân sự tốt.

1.5. Lựa chọn phần mềm quản lý nhà thuốc

Kinh doanh dược là một ngành kinh doanh đặc thù, khác với kinh doanh các mặt hàng khác vì bán thuốc rất quan trọng việc quản lý số lô, hạn dùng của từng đợt nhập hàng, tránh việc để thuốc tồn kho quá hạn sử dụng gây thất thoát cho nhà thuốc. Ngoài ra, quản lý nhà thuốc bằng phần mềm còn giúp chủ nhà thuốc nắm bắt nhanh tình hình kinh doanh của nhà thuốc, quản lý được doanh thu của từng nhân viên, biết được mặt hàng nào bán chạy và mặt hàng nào bán chậm để thực hiện các chương trình bán hàng nhằm tăng doanh số của nhà thuốc.

Multi Platform.jpg

Hiện nay, sở y tế mỗi địa phương đều yêu cầu các nhà thuốc phải có phần mềm quản lý nhằm báo cáo liên thông dữ liệu xuất nhập thuốc lên cổng thông tin Dược Quốc Gia.

Vì vậy, chủ nhà thuốc cũng nên tìm hiểu và chuẩn bị trước phần mềm quản lý nhà thuốc nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý việc nhập xuất thuốc tại nhà thuốc và báo cáo dữ liệu thông qua tài khoản của Sở Y Tế cung cấp cho mỗi nhà thuốc.

2. Chuẩn bị các thủ tục pháp lý

Ngay khi có ý định sở hữu nhà thuốc riêng, bạn cần nắm rõ các thủ tục pháp lý cần thiết để nhà thuốc. Bởi buôn bán thuốc thang thuộc lĩnh vực nhạy cảm, bắt buộc nhà thuốc phải đủ điều kiện kinh doanh mới được cấp phép hoạt động.

Các giấy tờ cần chuẩn bị để mở nhà thuốc bao gồm:

2.1. Chứng chỉ hành nghề dược do Sở Y Tế cấp

Chứng chỉ hành nghề của dược sĩ chuyên môn phải được hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thuốc, mở quầy thuốc, nhà thuốc.

2.2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Giấy chứng nhận kinh doanh theo diện kinh doanh cá nhân hoặc doanh nghiệp. Giấy chứng nhận này do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp hoặc Ủy Ban Nhân Dân Quận/Huyện cấp.

Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,chủ nhà thuốc cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:

  • Chứng chỉ hành nghề Dược
  • Bản sao giấy chứng minh thư của Dược sĩ chủ nhà thuốc đạt GPP xin cấp phép.
  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo mẫu do cơ quan đăng ký cấp phép đặt nhà thuốc GPP).

Thời hạn giải quyết trong vòng 5 ngày làm việc nếu hồ sơ hợp lệ.

giay-chung-nhan-dang-ky-kinh-doanh.jpg

2.3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc

Sở y tế cấp phụ trách cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho nhà thuốc. Các giấy tờ cần chuẩn bị để hoàn thiện hồ sơ gồm:

  • Đơn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhà thuốc.
  • Bản sao đã được công chứng của chứng chỉ hành nghề dược.
  • Bản sao đã được công chứng của giấy đăng ký kinh doanh.
  • Bản sao đã được công chứng của giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPP - Thực hành nhà thuốc tốt.
  • Hồ sơ nhân viên (nếu có).

Sở y tế sẽ thẩm định hồ sơ trong vòng 30 ngày.

2.4. Thẩm định cấp GPP (Good Practice Pharmacy: Thực hành nhà thuốc tốt)

Sở y tế có nhiệm vụ thẩm định và cấp giấy chứng nhận nhà thuốc đạt GPP cho nhà thuốc của bạn trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ khi bạn nộp đầy đủ các giấy tờ sau:

  • Đơn đăng ký kiểm tra “Thực hành nhà thuốc tốt”.
  • Bản sao đã được công chứng của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Bản sao đã được công chứng của chứng chỉ hành nghề dược.
  • Danh sách nhân viên của nhà thuốc (nếu có).
  • Bản kê khai cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà thuốc.
  • Biên bản tự chấm điểm theo đúng danh mục kiểm tra của Cục quản lý Dược Việt Nam đưa ra.
  • Các quy trình thao tác chuẩn SOP dành cho nhà thuốc.
  • Các văn bản pháp lý liên quan đến các hoạt động nhà thuốc do nhà nước ban hành.

3. Tìm kiếm nguồn hàng thuốc chất lượng

Để nhà thuốc đông khách, dược sĩ đứng quầy cần có năng lực chuyên môn tốt cũng như kỹ năng tư vấn tốt. Bên cạnh đó, thuốc và mặt hàng khác đảm bảo tiêu chí: Chất lượng tốt - Giá cả phải chăng. Muốn vậy, bạn phải nhập nhiều hàng từ các nguồn khác nhau.

3.1. Nguồn từ nhà phân phối lớn

Nguồn hàng từ các hãng dược phẩm lớn như Mega Products, Zuellig Pharma, Diethelm Vietnam có ưu điểm là hàng chính hãng nên đảm bảo chất lượng, có hóa đơn đầy đủ. 

Tuy vậy, khi đặt hàng qua đây, giá thuốc sẽ đắt hơn so với chợ sỉ. Nhà thuốc nên tranh thủ những chương trình khuyến mãi mà bên phân phối đưa ra. 

3.2. Nguồn từ trình dược viên (hãng phân phối nhỏ)

Các trình dược viên sẽ tự tìm tới nhà thuốc để giới thiệu mặt hàng mà công ty họ đang có. Việc của nhà thuốc là lựa chọn những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người mua hàng.

3.3. Nguồn từ chợ bán buôn

Một chợ thuốc rất nổi tiếng ở Hà Nội là chợ thuốc Hapulico trên đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ở TP.HCM thì có Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế ở Quận 10 hay còn gọi là chợ thuốc Tô Hiến Thành chuyên cung cấp đầy đủ tất cả các mặt hàng dược phẩm cũng như trang thiết bị  y tế nội ngoại nhập.

cho-thuoc-to-hien-thanh-cho-si-thuoc-tay-lon-nhat-tp-ho-chi-minh-k4074.jpg

Một ưu điểm nổi bật của chợ bán buôn thuốc là giá thành rẻ và nguồn hàng phong phú. Chủ nhà thuốc nên trực tiếp đến chợ thuốc để tìm kiếm và nhập hàng tránh trường hợp mua phải hàng đắt hay không rõ nguồn gốc.

3.4. Nguồn hàng đặt qua hệ thống online

Vào thời đại công nghệ phát triển, chuyển phát hàng qua hệ thống COD (Cash On Delivery: giao hàng thu tiền hộ) trở lên phổ biến kể cả trong lĩnh vực buôn bán thuốc. Bạn có thể tự tìm nguồn mua hàng qua internet hoặc từ mối quan hệ thân quen. 

Tuy vậy, chủ nhà thuốc phải lấy hóa đơn đỏ đầy đủ để đảm bảo hàng hóa rõ nguồn gốc và đúng theo quy trình pháp lý khi hoạt động nhà thuốc.

4. Đi vào hoạt động

Bắt đầu từ ngày khai trương cho tới 6 tháng sau, nhà thuốc của bạn mới có được lượng khách ổn định. Vì vậy, ngay từ khi nhà thuốc đi vào hoạt động, chủ nhà thuốc cần có mặt thường xuyên để giải quyết kịp thời khó khăn trong thời gian đầu.

5. Các câu hỏi khi mở nhà thuốc

Dưới đây là một vài câu hỏi hay gặp khi quyết định mở nhà thuốc.

  • Mở tiệm thuốc tây người đứng quầy cần bằng cấp gì?

Bán thuốc nghĩa là bạn đang nắm trong tay sinh mạng của khách hàng nên nếu người ứng tuyển không có bằng cấp thì không có nhà thuốc nào tin tưởng giao vị trí nhân viên bán thuốc cho bạn.

Để được đứng tư vấn và bán thuốc, dược sĩ đứng quầy cần có bằng dược sĩ đại học hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược.

  • Chi phí mở nhà thuốc?

Theo khảo sát thị trường, chi phí làm các thủ tục, mua trang thiết bị, nhập hàng hóa,... trung bình khi mở mới một nhà thuốc tối thiểu khoảng 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, để tối ưu hóa chi phí, cũng như giúp hàng hóa được bán nhanh hơn, nhà thuốc mới khi nhập hàng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chọn nhà cung cấp uy tín, tránh mua nhầm thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
  • Nhập những mặt hàng thiết yếu thuộc tệp khách hàng mình hướng đến.
  • Nhập hàng với lượng vừa phải để khảo sát thị trường trước, tránh tồn hàng.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của các sản phẩm nhập về, chọn những sản phẩm có hạn sử dụng xa.
chi-phi-mo-nha-thuoc.jpg
  • Bằng cao đẳng dược có được mở nhà thuốc không?

Theo quy định của Sở Y Tế, dược sĩ có bằng cao đẳng dược không được phép mở nhà thuốc tại các thành phố lớn, đông dân cư. Tuy nhiên, bạn vẫn có cơ hội mở quầy thuốc từ tuyến huyện trở xuống.

Bên cạnh đó, dược sĩ cao đẳng chỉ được bán lẻ thuốc mà không được quyền thay thế các loại thuốc có trong đơn thuốc bác sĩ kê.

  • Bằng trung cấp dược có mở được nhà thuốc không?

Các dược sĩ sở hữu bằng trung cấp dược không đủ điều kiện chuyên môn để mở nhà thuốc mà chỉ có thể mở được quầy thuốc.

Theo PFN

Các tin đã đăng:
Visitor